ĐÔI MẮT
Có 1 cô gái không may bị mù, quen biết 1 chàng trai, 2 người cùng yêu nhau, đến một ngày cô gái nói với chàng trai: Khi nào em nhìn thấy được thế giới, em sẽ lấy anh.
Rồi đến 1 ngày kia cô gái được phẫu thuật mắt và cô đã nhìn thấy được ánh sáng. Cháng trai hỏi: bây giờ em đã thấy được cả thế giới, em sẽ lấy anh chứ? Cô gái bị sốc khi thấy chàng trai cũng bị mù như mình. Cô ta từ chối anh.Chàng trai ra đi trong nụ cười "Hãy giữ gìn cẩn thận đôi mắt của mình em nhé! Vì đó là món quà cuối cùng anh có thể tặng em! Cầu mong em hạnh phúc " ...
Ba nó bỏ nó lúc nó còn đỏ hỏn . Mẹ và ngọai nuôi nó trong nghèo khó . Đau khổ và cả hạnh phúc . được vài năm , cái đói nghèo cướp mất ngoại . Thiếu hơi bà nó ngằn ngặt khóc đêm. Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái dỗ dành " Ngoại có đi đâu !Ngọai ở đây mà " .Vậy là nó nín . Rồi mẹ cũng theo bà . Hôm tang Mẹ , thấy dì khóc , nó bảo" Mẹ có đi đâu ! Mẹ ỡ đây mà " rồi lấy tay đặc lên ngực , chỗ trái tim . Nó dỗ thế mà Dì chẵng nín , lại ôm nó khóc to hơn .
VÒNG CẨM THẠCH
Cha kể , Cha ước ao tặng Mẹ chiếc vòng Cẩm Thạch . Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẫm thạch rất đẹp . Mổi khi Cha định mua , Mẹ tìm cách từ chối , lúc mua sữa , lúc sách vỡ , lúc tiền trường ...Dến lúc tay Mẹ sạm đen , Mẹ vẫn chưa một lần đeo . Chị em hùn tiền mua tặng Mẹ một chiếcthật đẹp . Mẹ cất kỹ , thỉnh thõang lại ngắm nghía cười " Mẹ già rồi , tay run lắm , chĩ nhìn thôi cũng thấy vui " Chị em không ai bão ai , nước mắt rưng rưng .
QUÀ SINH NHẬT
Trong năm đứa con cũa Má , Chị nghèo nhất . Chồng mất sớm , con đang tuỗi ăn học Gần tới lễ thượng thọ 70 tuổi của Má , cả nhà hộp bàn xem nên chọn nhà hàng nào ,bao nhiêu bàn , mời bao nhiêu người . Chị lặng lẽ đến bên Má " Má ơi , má thèm gì , đễ con nấu má ăn " . Chưa tan tiệc Má xin phép về sớm vì mệt . Ai cũng chặc lưỡi "Sao Má chẵng ăn gì ? " Về nhà , mọi người tìm Má . Dưới bếp , Má đang ăn cơm vối tô canh chua lá me và đĩa bống kho tiêu Chị mang đến .
CON NUÔI
Thầy giáo lớp 1 thảo luận với lớp về một bức hình chụp, có một cậu bé màu tóc khác mọi người trong gia đình . Một học sinh cho rằng cậu bé trong hình chính là con nuôi .Một cô bé nói " Mình biết tất cã về con nuôi đấy " . Một học sinh khác hỏi " Thế con nuôi là gì ? " Cô bé trã lời : Con nuôi nghĩa là mình lớn lên từ trong tim Mẹ mình chứ không phải tứ trong bụng ."
KHÓC
Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi , trừ tiếng khóc chào đời , chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa . Năm 20 tuổi , qua nhiều khó khăn Anh tìm được Mẹ , nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại , một lần nữa bà đành chối bõ con .. Anh nghạo nghễ ra đi , không rơi một giọt lệ . Hôm nay 40 tuổi , đọc tin Mẹ đăng báo tìm con , Anh chợt khóc . Hỏi tại sao khóc , Anh nói " Tội nghiệp Mẹ , 40 năm qua chắc Mẹ còn khỗ tâm hơn Anh ."
BÀN TAY
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.
Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.
Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.
Võ Thành An
CÂU HỎI
Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những trẻ lang thang không nhà cửa.
Cuối buổi học.
- Cô ơi. Dạy tụi con hát đi cô.
- Hát đi cô.
Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi, cô dạy cho tụi trẻ bài "Đi học về".
- Hát theo cô nè... Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba mẹ. Ba mẹ khen...
Phía cuối lớp có tiếng xì xào:
- Tao không có ba mẹ thì chào ai?
- ...
Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay.
Nguyễn Hoài Thanh
BA VÀ MẸ
Mẹ xuất thân gia đình trí thức nghèo, yêu thích thơ, văn. Ba tuy cũng được học nhưng là con nhưng là con nông “chánh hiệu”.
Mẹ sâu sắc, tinh tế. Ba chất phác, hiền hòa.
Mỗi khi ba mẹ đấu lý, chị em nó thường ủng hộ mẹ, phản đối ba. Mẹ luôn đúng và thắng.
Hôm ba bệnh nặng, cả nhà lo lắng vào ra bệnh viện.
Tối ba nói sảng điều gì đó không ai hiểu. Nhưng lần đầu tiên nó nghe mẹ nói “Đúng! Ông nói đúng…” Quay đi, mẹ sụt sùi. Nó thút thít khóc
Lê Mai
BÃO
Sống miền duyên hải, công việc của anh gắn liền với tàu, với biển, với những chuyến khơi xa. Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày đã tiếp tục ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Radio, ti vi báo bão. Đêm chị ngủ chẳng yên, sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời chị.
Cuộc sống khá hơn, anh không đi biển nữa mà kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn. Nhưng nghe đâu...
Không phải bão, anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị.
Nga Miên
ĐÁNH ĐỔI
Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chất. Chị xa anh cũng vì lẽ đó. Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm của một thời yêu nhau.
Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng.
Tình cờ anh gặp chị tại nhà, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi: anh còn giữ nó? Anh nghẹn ngào: anh làm ra những thứ này mong đánh đổi những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa.
Song Vũ
CHUNG RIÊNG
Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên…
Uống chung một ly rượu mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh là chú rể còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta…
Nga Miên
HOA MAI
Cây mai mang cốt cách người, từ xưa cha ông đã nói vậy. Mai đem thân mình đọ khí tiết xung hàn khắc nghiệt của mùa đông mới bật được những đóa vàng kỳ diệu, giống như người quân tử phải nếm trải trăm cay nghìn đắng, rèn luyện tâm trí, giữ lòng trung hiếu. Nét đẹp ấy chỉ hoa mai mới có.
Ngày nay mai được cho vào chậu, chăm bón tối đa, nở theo ý muốn, biết phẩm chất kia có còn lưu dẫn trong tinh thần hoa không? Có còn được coi là một trong tứ quý không?
Nguyễn Thánh Ngã
TRO ẤM
Bọn cháu gái chúng tôi chẳng ai học được cách nhóm bếp của bà Nội cả. Bà chỉ cần gạt bỏ lớp tro phủ trên mặt bếp lò, bỏ củi vào thổi nhẹ là có một bếp lửa đỏ rực.
Sáng nào cũng vậy, bà Nội dậy thật sớm. Bà lặng lẽ nấu nước, lấy bộ đồ ông Nội trên mắc áo đi giặt. Xong bà quay vào chuẩn bị bữa cơm, châm sẳn một bình trà nóng, rồi ra cửa gọi lớn:
"Ông ơi vào ăn cơm"
Cả nhà tôi đều im lặng.
Ông Nội đã mất 20 năm rồi!
Kim Liêu
QUẢ THẬN
Chị đau thận nặng, anh tự nguyện san sẻ cho chị một quả thận của mình.
Hai năm sau, cuộc tình không thành, chị lấy chồng xa xứ, vẫn thường viết thư về thăm tôi, kể rằng mỗi lần nghe vùng thận nhói đau, chị biết anh đang nhớ đến chị.
Anh đi biền biệt lâu rồi tôi không gặp, nhưng tôi tin điều chị nói là thật.
Lê Nguyễn
VÔ ĐỀ...
Cắt móng tay cho mẹ, chợt nhận ra bàn tay mẹ toàn xương, những lóng tay khô như cọng rạ phơi mất tính hồi sinh.
Bàn tay ấy từng tắm rửa cho con, vỗ vào mông để con tròn giấc ngủ. Áo con lành nhờ bàn tay mẹ. Con đói lòng bàn tay mẹ đút miếng cơm nhai. Giờ hai bàn tay mẹ đã gầy như không còn cách nào gầy nữa. Mẹ cố xỏ sợi chỉ vào lỗ kim nhưng đầu sợi chỉ cứ đưa qua đưa lại không sao xỏ vào được.
Con thương mẹ vô cùng.
***
Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm. Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương.
Mẹ khen: “Bạn gái con xinh”.
Cuối tháng, lãnh lương, dẫn người thương đi shopping. Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là
tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…”
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son tốt xấu màu sắc là gì.
***
Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ. Hôm nay sau giờ giảng, tôi hát cho các em nghe… “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi…”
Tôi nói với các em: “ Chúng ta thật hạnh phúc khi được ở trong vòng tay mẹ”.
Có tiếng khóc ở góc lớp. Tôi đến cạnh em hỏi:
- Sao con khóc?
- Con nhớ Mẹ! Đứa bé đáp ngập ngừng.
- Mẹ đâu?
Nhìn theo tay đứa bé, tôi thấy một người đàn ông nước da đen sạm đang đứng trước cổng trường.
***
Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:
- Nhà ngoại ở cuối con đê. Trên đê chỉ có mẹ,
có con.
Lúc nắng, mẹ kéo tay con:
- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra. Con cố.
Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:
- Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.
Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?
Trời vẫn nắng, vẫn râm... ...Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.
***
Cổng trường ngày thi đông nghẹt thí sinh và phụ huynh. Những gánh
hàng, dãy quán mọc lên san sát trên khoảng đất trống cạnh trường.
"Út, Út, Út ơi!". Cô học trò lúng túng tách khỏi đám bạn, đi về phía tiếng kêu.
"Ăn đi con. Xôi đậu. Thi sẽ đậu đấy".
"Con ăn rồi. Sao má lại ra đây!".
Cô quày quả vào trường, vội vàng như trốn chạy... ...
Mùa thi lại về. Cô giáo trẻ tần ngần trước cổng trường nhộn nhịp. Giọt nước
mắt muộn màng đọng nơi khóe mắt. "Con mãi sẽ không đậu khi chối từ gánh xôi của má. Má ơi!".
***
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật
ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu.
Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
- Cua rang muối thật đó mẹ.
Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
- Còn răng đâu mà ăn?!
***
Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ
tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường...
Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo vòng. Mấy chị em hùn tiền mua tặng
mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười:
- Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui.
Mấy hị em không ai bảo ai, nhìn nhau nước mắt rưng rưng.
***
Hễ nhà có dịp đi dự đám, nó thường vòi vĩnh xin theo. Thấy nhà bạn có giỗ vui vầy, nó thắc mắc với bà: “Sao nhà mình không có giỗ như nhà người ta hả nội?”.
Nội mỉm cười rồi cốc vào đầu nó: “Khi nào bà mất thì cháu sẽ được ăn giỗ, cháu có vui không?”. Nó giật mình, thàng thốt .
Bây giờ nhà nó cũng có giỗ. Mọi người xúm xít quây quần. Riêng nó thấy buồn, ray rứt. Giá mà nó được gặp lại bà, dù chỉ một lần, bà ơi!
****
"Má! Má lên đây làm gì?". Cô sinh viên sắp nhận bằng cử nhân giãy nãy lên hỏi người mẹ quê mùa còm cõi.
- "Má nghỉ bán một bữa lên coi con lãnh bằng tốt nghiệp".
- "Không được đâu! Bữa nay bạn con đông lắm, mà má lại ăn mặc thế này...".
- "Thì má có còn bộ nào khác đâu. Thôi cho má vào. Má...".
- "Thôi, thôi, má về đi. Con thì thế này, má thì thế kia… Tụi bạn con nó cười…!".
Nói rồi, cô sinh viên xinh đẹp chạy ào vào trong hội trường…
Vừa lúc người xướng tên giới thiệu: "Sinh viên Phạm Thị P.X. là một trong những sinh viên xuất sắc của trường".
***********
GIÚP
Đã lâu tôi mới có dịp ra thành phố. Trước lúc chuẩn bị ra về người bạn chở tôi bằng xe máy lên trung tâm sắm sửa một số đồ dùng.
Tôi đang nhìn ngắm những đổi thay của thành phố, bỗng "roạc", một tiếng va mạnh, cả hai chúng tôi ngã ra đường. Bạn tôi ngồi trước bị va mạnh hơn nên ngất xỉu. Tôi thì bị xe đè lên, đau điếng. Nhưng đau hơn là khi nhìn thấy hai thằng choai choai tông vào chúng tôi vội vàng nhặt mấy quyển vở của chúng văng ra, rồi dựng xe của chúng dậy rồ máy chạy thẳng, mặc cho chúng tôi quằn quại với nỗi đau.
Thành phố nhộn nhịp người mua bán ven đường, ấy vậy mà đến đỡ chúng tôi dậy chỉ có vài anh xe ôm. Khi chúng tôi được dìu vào lề đường, chưa kịp cảm ơn thì họ đã đi mất.
Tôi ân hận lắm. Chỉ đến khi vào mua hộp dầu bóp tạm chỗ đau, móc túi trả tiền thấy rỗng không, mới chợt hiểu tất cả.
GIỖ ÔNG
Sớm mồ côi. Từ nhỏ anh em nó sống cùng nội trên mảnh đất của người chú. Năm ngoái, sau trận bão lớn ông nó quy tiên. Chú nó lấy lại căn chòi, khuyên "lớn rồi... nên tự lập".
Anh em dắt díu nhau tha hương.
Trưa. Phụ hồ về "nhà" - (ở dưới gầm cầu). Mệt. Đói. Giở nồi cơm, nhão như cháo. Thằng anh mắng "đồ hư". Con em mếu máo "em nấu để... giỗ ông".
Ngẩn người. Chợt nhớ, hôm nay tròn năm, ngày ông mất. Hồi ở quê, thường ngày ông thích cơm nhão. Thế mà...!
Ôm em vào lòng, nó gọi trong nước mắt: Ông ơi !!!
Bình Nguyên
KHÔNG THỂ QUÊN
Không phải bây giờ anh mới biết chị không chịu được mùi mắm tôm. Từ hồi còn học đại học, hễ vào bữa là chị lại nhăn mặt. Trông điệu bộ chị anh lại thấy vui vui. Anh cũng thể bỏ món ăn khoái khẩu này.
Hôm nay, ngồi nhìn mâm cơm mà nước mắt anh cứ ứa ra. Không còn hình ảnh chị với cái mũi nhỏ xinh, nhăn nhăn nhìn anh như vừa trách, vừa yêu.
Trên bàn thờ là tấm ảnh chị với nụ cười rạng rỡ. Trong căn nhà trống vắng, mùi nhang trầm quyện lẫn với hương mắm tôm đậm đà.
Anh không thể quên.
Phạm Phương Nga
HÀNH TRANG VÀO ĐỜI
Ngày vào đại học , nó đòi Bố mua cho một chiếc xe .Thay vì đưa con chiếc chia khóa xe mới , ông đưa nó quyển sách , sách phúc âm
Nó giận dỗi vất quyển sách vào góc nhà và ra đi biền biệt ...
Ngày trở về , Bố đã không còn . Nó thơ thẩn vào góc nhà, cầm lên quyển sách phủ đầy bụi bặm . Tình cờ , tờ giấy chủ quyền với tên nó và chiếc chìa khóa rớt ra, có cả mảnh giấy ngã vàng với đôi hàng nhắn nhủ : Con hãy đọc quyển sách này , như hành trang cùng với chiếc xe – đưa con vào đời .
Long Xuyên ghi lại.
SẦU RIÊNG
- Mẹ, sầu riêng rộ. Mẹ mua cho Nội một trái đi Mẹ. Nội nói cả chục năm rồi Nội chưa ăn múi nào hết.
- Bên đây sầu riêng mắc như vàng, của đâu mà cho Nội mày ăn cho đủ. Tao hầu Ba mày mệt rồi, thêm Nội mày nữa có nước đem chôn tao sớm.
Thằng Tí như bị hụt hẫng trước câu trả lời của Mẹ nó. ... Mùa sầu riêng năm sau, Nội nó mất. Hôm giỗ đầu, Mẹ nó mua một trái sầu riêng thật to để trên bàn thờ.
Mẹ nó nói với mọi người:
- Má chồng tôi hảo sầu riêng lắm. Mắc cách mấy tôi cũng rán mua để cúng Má tôi.
Mọi người khen Mẹ nó là dâu thảo. Chỉ có thằng Tí biết. Nó lặng lẽ đến cạnh bàn thờ thì thầm:
- Xin Nội tha lỗi cho Mẹ con.
VÔ TÂM
Tháng đầu tiên lãnh lương dạy kèm. Nó hí hửng rủ nhỏ Trâm đi chợ. Loanh quanh một hồi, nó sắm đủ cả quần Jeans, áo pull, kẹp, nơ... Trâm đắn đo mãi, chẳng chịu mua gì. Ngang hàng vải, nhỏ kéo nó vào, chọn mua một xấp vải lụa sẫm màu.
Nó nhăn mặt:
- Màu này già lắm!
Trâm rụt rè:
- Tao mua cho mẹ tao đó. Lần đầu làm ra tiền mới hiểu cái vất vả của mẹ bao nhiêu năm qua.
Nó giật mình, lặng thinh. Giỏ đồ trên tay bỗng dưng nặng trịch.
Văn Thị Hồng Hà
XẠO
Nhà thằng Bòng giàu có. Bữa nào cũng thịt, cũng cá, nhưng chẳng mấy ai chạm đũa.
Thằng Còm nhà nghèo. Không muốn để con phải khổ, bữa nào bố mẹ nó cũng lo cho nó hoặc quả trứng, hoặc lạng thịt. Vô tình, không biết đó là tiêu chuẩn dành riêng cho mình, thằng Còm thấy bố mẹ nó chỉ ăn rau. Nó ăn không hết, mẹ nó lại cất đi.
Một bữa, thằng Bòng bảo:
- Nhà tao, thịt cá chẳng ai ăn...
Thằng Còm buột miệng:
- Nhà tao cũng thế!
Thằng Bòng nhìn thằng Còm: “Xạo!”
Phùng Thành Chủng
CHUYỆN CỦA NỘI
Nhận vé máy bay, cả nhà mừng tíu tít... Dường như nội cũng mừng lắm. Nội vào ra,
hết sờ cái cột sửa thân bầu, lại bứt mấy đọt mồng tơi nấu canh. Con cháu cười nội lẩm cẩm... Từ ngày lên máy bay cho đến khi đinh cư nơi trời Tây, nội luôn săm soi một gói giấy, vẻ quí lắm.
Chiều đông ảm đạm nội ra đi, tay vẫn nắm chặt cái gói nhỏ. Bố nhẹ nhàng gỡ ra, một cục đất màu nâu rơi xuống, vỡ tan...
Nguyễn Quốc Việt
CHÈNG ƠI !
Cháu học ở thành phố, lần về thăm quê đem theo cả cô người yêu cùng về. Ngoại mừng ra mặt, lo lắng từ chỗ ngủ, bữa ăn sao cho đưa cháu thật sự vui lòng.
Ở quê câu chữ khó diễn đạt, một tiếng ngoại cũng “chèng ơi, hai tiếng cũng chèng ơi... “Đứa cháu tỏ vẻ không bằng lòng, kéo ngoại ra hè bảo ngoại đừng nói câu ấy nữa, nghe... quê lắm. Ngoại cười hiu hắt và từ đó ngoại ít nói hơn. Nhớ thưở nhỏ mỗi khi cháu ngã té đau, biếng ăn một chút là ngoại kêu lên hai tiếng: “Chèng ơi!” Kêu riết thành quen.
Võ Thành An
CẢNH NGỘ
- Chú ơi! Mua vé số cho con đi chú. Làm ơn mua cho con một vé đi chú.
- Đưa coi! Tiếng người đàn ông nói.
- Anh ơi! Mua tặng chị một hoa hồng đi anh.
Người đàn ông nhìn tấm vé số rồi nhìn cô bạn gái của mình.
Người đàn ông chọn hoa hồng.
Đêm thành phố nhộn nhạo những ánh đèn xanh đỏ. Thằng bé bán vé số lủi thủi bước đi, vai nó run lên, không biết vì nó lạnh hay vì một điều gì khác. Nó đang căm ghét con bé bán hoa. Nó đâu có biết rằng con bé bán hoa ấy cũng có một đứa em bán vé số và một người cha đang hấp hối.
Phạm thị Kim Anh
TRUYỆN CỔ
Năm hai mươi tuổi, Hứa Hầu có hơn trăm bạn hữu, tiệc tùng, bù khú thâu đêm.
Năm ba mươi tuổi, chàng lựa được hai chục tráng sĩ, họ thề nguyền sinh tử có nhau.
Năm năm mươi tuổi, chàng trà dư tửu hậu với hai người, vốn là kẻ tay tả, tay hữu của chàng.
Năm sáu mươi tuổi, ông lão âu yếm vuốt mái tóc của bà vợ già móm mém. “Nàng là bạn tri âm duy nhất của đời ta”.
Đào Vân Anh
MONG CHỜ
Nhà có năm đứa con: ba trai, hai gái. Ngày lũ nhóc còn nhỏ, nghịch phá như quỷ sứ và hay giành đồ nhau, lên ăn cơm giành chén, đũa, tối ngủ giành gối, mền. Nhà nghèo vách lá, bọn chúng đi từ trước ra sau đều có thói quen lấy tay dí vào vách kêu xào xào, chẳng bao lâu tấm vách tả tơi. Cha mẹ nhìn nhau ngao ngán, mong tụi nó lớn.
Giờ giàu, nhà xây bằng tường, tụi nó tứ tán lo xây sự nghiệp, một thằng vừa chết. Nhà vắng thênh thang. Cha mẹ nhìn nhau ngao ngán, mong tụi nó… về.
Nguyễn Hồng Xuyến
LY CHÈ CỦA CHỊ
Nhà đến 8 chị em. Chị cả có tật mua chè chỉ ăn vài muỗng rồi cất vô tủ lạnh, lâu lâu ra gặm nhắm chút xíu. Ăn cả ngày nhiều khi chưa hết ly chè.
Dần dần chị để ý ly chè mới có mấy muỗng, lần sau lấy ra chỉ còn có…nửa. Có đứa ăn lén mà không biết là ai. Đứa nào cũng chối. Chị nghĩ ra cách đề phòng, để cái note cạnh ly chè:
“Đã nhổ nước miếng”
Lát sau vô tủ lạnh, cũng bị mất nửa ly. Bên cạnh cái note của chị, có thêm ít chữ nguệch ngọac không thể nhận ra của ai:
“Vẫn ngon như thường!”
…
Bây giờ mấy chị em mỗi người đều 4, 5 bó rồi. Mỗi lần họp mặt chị vẫn hỏi
“Đứa mô hồi nớ ăn chè của tau?”
Mấy đứa em đồng thanh nói
“ KKKhhhông pphaảii tuuuiii!”
ThaiNC
BỎ CHA
Cha mắc bệnh đau lưng, không ngồi lâu được, nhất là trên xe hơi. Con gái muốn bố tham dự lễ ra trường của bạn trai. Cô thuê chiếc xe lớn để cho bố được thoải mái. Bố phải ngồi xe mất 6 tiếng. Đau nhưng ráng chịu.
Chuyến về, có thêm ngưòi bạn trai và nhiều đồ đạc. Con gái nói: "Xe chật quá. Tụi con về trước. Mai bố lấy xe đò về một mình nhá!"
Bố lặng thinh. Suy nghĩ về thân phận làm bố.
Trực Chính
NHÀ CÔ CÓ NẾN KHÔNG?
Có một cô gái trẻ chuyển đến nhà mới. Cô phát hiện hàng xóm nhà mình là một phụ nữ nghèo goá chồng, sống với hai đứa con nhỏ.
Một ngày nọ, khu phố bị mất điện đột ngột. Cô gái trẻ phải dùng nến để thắp sáng. Một lát sau, có tiếng gõ cửa. Hoá ra là đứa bé con nhà hàng xóm.
Nó hồi hộp hỏi: "Cô ơi cô, nhà cô có nến không ạ?"
Cô gái trẻ nghĩ: " Nhà nó nghèo đến mức nến cũng không có mà dùng ư? Cho nhà nó một lần, lần sau lại sang xin nữa cho mà xem!"
Thế là cô gái xẵng giọng: "Không có!"
Đúng lúc cô định đóng cửa lại, đứa trẻ nhà hàng xóm nghèo mỉm cười nói: "Cháu biết ngay là nhà cô không có mà!"
Nói xong, nó chìa ra hai cây nến: "Mẹ cháu với cháu sợ cô chỉ sống có một mình, không có nến nên bảo cháu mang nến sang cho cô dùng tạm."
Khuyết Danh
DÌU MẸ
Con ơi! Bây giờ mẹ đi chân không vững, nhấc không nổi bước
Mẹ xin con nắm tay mẹ
Dìu mẹ, chậm thôi
Như năm đó
Mẹ dìu con đi những bước đầu đời.
Thủy Khởi
NGOẠI
Lúc nhỏ, ở quê đi học. Ngoại thường cắt dây chuối thắt quai chèo cho anh chèo ghe đến trường.
Đến khi lên thành phố học đại học, ba mua cho anh chiếc xe đạp để đến trường. Ra trường rồi anh làm giám đốc một công ty, đi làm có xe đưa đón. Bận rộn công việc anh chưa một lần về thăm ngoại.
Ngoại bệnh, nhận được điện tín anh về. Giọng yếu ớt ngoại nói: “Ngoại đã thắt quai chèo cho cháu, sao lâu quá… Không thấy… cháu về”.
Anh cúi mặt lặng thinh, dòng lệ tuôn trào.
Đinh Văn Hồng
(Kế Sách, Sóc Trăng)
NGÀY GIỖ
Còn một tuần là giỗ ba, anh Hai họp anh em lại: “Coi khách mời gồm những ai, làm gì cúng, đãi khách cho tươm tất”.
Cả tám anh em ai cũng đi làm, cũng có bạn bè, cấp trên, cần phải ngoại giao, trả ơn. Sau cùng thống nhất mười bàn.
Ngày giỗ, sau khi khách về hết, bữa cơm gia đình dọn ra, nhìn thức ăn toàn ngon và nhiều, cu Hưng mếu máo: “Tội ông ngoại hả mẹ, giỗ ngoại mà ngoại chẳng ăn gì, chỉ nhìn cười, còn ai cũng được ăn ngon, lại vui nữa… “
Cao Thị Thanh Vân
(Vũng Tàu)
Long Xuyên (Sưu Tầm ) - Thanhanhiepthong.net
0 comments: